SỐ CAS MẮC SỐT XUẤT HUYẾT ĐANG CÓ XU HƯỚNG TĂNG VÀO ĐẦU MÙA MƯA - NHỮNG TRIỆU CHỨNG CẦN ĐƯỢC CHÚ Ý VÀ NHỮNG BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA
Trong 02 tháng trở lại đây Trung tâm Y tế huyện Bù Gia Mập đã tiếp nhận khoảng 40 cas Sốt xuất huyết (SXH), trong đó
có những có những cas diễn biến phức tạp gặp phải ở trẻ em và phụ nữ có thai.
Nguyên nhân là do đa phần tự ý điều trị tại
nhà hoặc đến các phòng mạch tư, không được phát hiện và xử trí kịp thời.
Triệu chứng thường gặp và những biểu hiện nặng của sốt xuất huyết mà người dân
cần biết để phòng, tránh bao gồm:
- Triệu chứng của SXH:
+ Sốt cao đột ngột, liên tục, không đáp ứng nhiều với thuốc hạ sốt.
+ Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn
+ Da xung huyết, có chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu mũi.
+ Đau cơ, đau khớp, nhức 2 hố mắt.
- Những
triệu chứng nguy hiểm có dấu hiệu cảnh báo:
+ Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt
+ Có những biểu hiện sau: Vật vã, lừ đừ, li bì, nôn ói nhiều, có chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu.
Bệnh nhân mang thai mắc SXH đang được theo dõi tim thai tại Trung tâm Y tế Bù Gia Mập
Ghi nhận tại khoa HSCC có 01 trường hợp trẻ
em có những dấu hiệu cảnh báo và được đưa đến bệnh viện kịp thời, vì vậy phụ
huynh cần lưu ý theo dõi sức khỏe trẻ liên tục. Đa số trẻ mắc SXH đều tự khỏi
trong vòng 7-10 ngày nếu không có biến chứng. Ngược lại một số trẻ có biểu hiện
nặng như suy hô hấp, suy thận, tổn thương đa cơ quan.... Nếu không phát hiện và
điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong hoặc di chứng suốt đời.
Những biện pháp phòng ngừa:
Cách phòng bệnh tốt nhất: diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi
đốt.
- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:
+ Đậy kín tất cả các dụng
cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
+ Thau
rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, chum, xô chậu…) hàng tuần.
+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong
nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ
xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước
khi không dùng đến.
Muỗi vằn - Véc tơ Trung gian truyền bệnh (nguồn internet)
- Phòng chống muỗi đốt:
+ Mặc quần áo dài tay.
+ Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.
+ Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...
+ Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
+ Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
Khi có dấu hiệu sốt, người
dân nên đến ngay cơ sở Y tế để được khám, xét nghiệm, phát hiện và xử trí kịp thời.