image banner
Admin
Bệnh tay chân miệng - Triệu chứng và biện pháp phòng ngừa
Lượt xem: 2126
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus đường ruột gây ra. Trong tháng 6 và tháng 7 năm 2023 Trung tâm Y tế huyện Bù Gia Mập đã ghi nhận 09 ca đến khám phát hiện bệnh tay chân miệng với những dấu hiệu và mức độ nhẹ, bác sĩ đã hướng dẫn và tư vấn phụ huynh chăm sóc trẻ tại nhà.

Hiện nay thời tiết mùa hè với khí hậu nóng ẩm là thời điểm bệnh tay chân miệng ở trẻ em có nguy cơ gia tăng, có thể bùng phát dịch nếu không phòng chống kịp thời. Đa phần những trường hợp trở nặng là do phụ huynh phát hiện và cho nhập viện muộn. Ghi nhận tại các tỉnh lân cận đã có trường hợp tử vong do tay chân miệng, cụ thể gần đây nhất tại tỉnh Phú Yên.

anh tin bai

Ảnh nguồn internet

         Những dấu hiệu thường nhận biết của bệnh tay chân miệng:

         - Lở miệng:

         + Vết loét đỏ hay bóng nước đường kính 2-3mm ở vòm khẩu cái, niêm mạc má, nướu, lưỡi

         + Tăng tiết nước bọt

         - Bóng nước: lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông

         + Kích thước: 2-10mm

         + Hình bầu dục, nổi cộm hay ẩn dưới da, trên nền hồng ban, không đau. Khi bóng nước khô để lại vết thâm da, không loét

         Các triệu chứng của trường hợp bệnh nhẹ:

         - Có nổi hồng ban và hoặc bóng nước lòng bàn chân, gối;

         - Trẻ ăn kém, không chịu bú, chảy nước miếng, nhểu nhảo,... do vết loét miệng làm trẻ đau nên không dám nuốt;

         - Trẻ sốt và thấy có hồng ban tay chân và hoặc loét miệng

         - Trẻ lớn than đau họng

         Các trường hợp bệnh nặng và nguy hiểm:

         - Sốt cao liên tục khó hạ, lừ đừ

         - Giật mình chới với, hốt hoảng, thất thần

         - Run chi, đi loạng choạng, nôn nhiều

         - Co giật, khó thở, tím tái

         - Đôi khi trẻ có tình trạng ngưng tim, ngưng thở

          Hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa có vaccin phòng bệnh, Trung tâm Y tế huyện Bù Gia Mập khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh sau:

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh.

          - Khi trẻ mắc bệnh phải cho nghỉ học để cách ly tranh lây bệnh cho các trẻ khác.

          - Vệ sinh răng miệng và thân thể trẻ luôn sạch sẽ, không cạy vỡ nốt phỏng nước để tránh nhiễm trùng và lây lan bệnh cho người khác.

          - Cần tăng cường dinh dưỡng, nâng cao thể trạng cho trẻ, cho trẻ ăn thức ăn mềm lỏng dễ tiêu.

          - Không cho trẻ mút tay, không cần kiêng cữ gió và ánh sáng, không chọc vỡ bọng nước, không đắp lá cây vì sẽ gây nhiễm trùng da.

          - Vệ sinh môi trường, khử trùng lớp học và các đồ chơi của trẻ.

- Cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi có những dấu hiệu nghi ngờ để được khám và điều trị kịp thời.