Bảo đảm tiền lương, phụ cấp và chế độ đãi ngộ thỏa đáng để giữ chân nhân viên y tế cơ sở
(Chinhphu.vn) – Đại biểu
Quốc hội đề nghị, cần có sự kết hợp giữa Ngân sách nhà nước với thực hiện cơ
chế tự chủ tài chính để bảo đảm tiền lương, phụ cấp, đãi ngộ thỏa đáng đối với
nhân lực y tế cơ sở để duy trì, thu hút và tạo động lực phát triển theo đúng
quan điểm của Nghị quyết số 20-NQ/TW "Nghề y là nghề đặc biệt cần được đãi
ngộ đặc biệt".
Tại Phiên họp thứ 22 (diễn ra vào ngày 11-12/4), Ủy ban Thường
vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát của
Quốc hội về "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công
tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ
sở, y tế dự phòng".
Một số địa phương chưa nhận
thức đầy đủ về y tế cơ sở, y tế dự phòng
Trước
đó, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về "Việc huy động, quản lý và sử
dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID; việc thực hiện
chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng" họp Phiên thứ Ba, góp
ý vào dự thảo Báo cáo và dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát.
Đối với
y tế cơ sở, thời gian qua đã có nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội,
Chính phủ về công tác chăm sóc sức khỏe được ban hành, trong đó xác định
rõ vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân.
Điển
hình, năm 2002 Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về
củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày
03/6/2008 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa
để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân; Nghị quyết số 68/2013/QH13
ngày 29/11/2013 đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến
tới bảo hiểm y tế toàn dân. Quyết định 2348/QĐ-TTg ngày 5/12/2016 của Chính phủ
phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình
mới…
Một
trong những văn bản mang tính định hướng quan trọng của Đảng đối với lĩnh vực y
tế cơ sở đó là Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 tại Hội nghị lần thứ 6 Ban
Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đề ra các mục tiêu cụ thể cho lĩnh vực
y tế cơ sở cần đạt được theo các mốc thời gian tới năm 2025 và 2030. Đây là cơ
sở để các Bộ, ngành và địa phương tập trung nguồn lực đầu tư cho y tế cơ sở
nhằm đạt các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết.
Mặc dù
Nghị quyết số 20-NQ/TW đã chỉ ra "y tế cơ sở là nền tảng, y tế dự phòng là
then chốt" song một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa nhận thức
đầy đủ về vai trò và tầm quan trọng của y tế cơ sở, y tế dự phòng. Do đó, chưa
thực sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát và bố trí ngân sách đầu tư thích hợp nhằm
phát triển y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Đầu tư cho y tế cơ sở chưa thỏa
đáng
Thông
qua hoạt động giám sát tại cơ sở, làm việc với các Bộ ngành, địa phương và
Chính phủ về "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công
tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ
sở, y tế dự phòng", một số thành viên Đoàn giám sát chuyên đề của
Quốc hội đưa ra nhận định, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện cơ chế tài
chính và đầu tư cho y tế cơ sở vẫn còn một số tồn tại, khó khăn cần sớm được
tháo gỡ.
Đó là
việc thực hiện cơ chế chính sách cho y tế cơ sở vẫn chưa đồng đều giữa các địa
phương. Một số địa phương chưa quan tâm đầu tư thỏa đáng cho y tế cơ sở, đặc
biệt là đầu tư cho tuyến xã chưa tương xứng, chất lượng dịch vụ y tế
tuyến cơ sở còn hạn chế nên người dân chưa tin tưởng sử dụng dịch vụ y tế tại
tuyến dưới.
Vì vậy,
mục tiêu hoàn thành đầu tư cải tạo, nâng cấp các trạm y tế xã ở vùng có điều
kiện kinh tế - xã hội khó khăn vào năm 2020 theo Nghị quyết số 68/2013/QH13 của
Quốc hội không đạt, đã ảnh hưởng đến chất lượng và việc tiếp cận dịch vụ y tế,
khám chữa bệnh tại trạm y tế xã của người tham gia bảo hiểm y tế.
Tính
đến năm 2020, trên cả nước vẫn còn trên 22% số trạm y tế xã chưa được đầu tư
kiên cố và ước tính vẫn còn khoảng hơn 40% trạm y tế xã có nhu cầu cần đầu tư
cải tạo, xây dựng mới.
Việc bố
trí ngân sách địa phương để đầu tư cho các trạm y tế trong bối cảnh dịch bệnh
gặp nhiều khó khăn, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ từ trung ương và các
dự án viện trợ nước ngoài.
Phân bổ chi thường xuyên ngoài
tiền lương còn thấp; vẫn còn vướng mắc trong thanh toán bảo hiểm y tế
Việc
phân bổ chi thường xuyên ngoài lương cho trạm y tế xã còn thấp, có địa phương
chỉ đạt 10-20 triệu đồng/trạm/năm, số kinh phí này chỉ đủ chi điện nước, hành
chính khác.
Trạm y
tế xã không là đơn vị hạch toán độc lập mà hạch toán phụ thuộc y tế tuyến huyện
trong khi lại chưa có quy định cụ thể về chi tiêu tại y tế xã.
Hơn
nữa, nguồn thu từ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại y tế cơ sở chưa cao do
số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến xã
có xu hướng giảm nhiều do giá dịch vụ ở tuyến cơ sở thấp so với tuyến tỉnh và
trung ương.
Tỷ lệ
khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến huyện và xã khoảng 70% trong khi tỷ
trọng chi cho khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến xã chỉ dao động khoảng 2%
và tuyến huyện chiếm 33% trong tổng chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Bên
cạnh đó, vướng mắc trong thanh toán, quyết toán bảo hiểm y tế vẫn chưa được
giải quyết triệt để, một số địa phương phản ánh không được thanh toán số tiền
khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt so với dự toán được giao;
Một số
danh mục kỹ thuật, y tế tuyến xã có thể thực hiện được nhưng không đáp ứng đủ
yêu cầu về nhân lực theo yêu cầu để thanh toán bảo hiểm y tế;
Việc
thực hiện chính sách thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, khiến
số lượt vượt tuyến lên tuyến tỉnh, trung ương (trái tuyến) tăng cũng là một
trong những nguyên nhân khiến kết quả khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại y
tế cơ sở còn khiêm tốn.
Bệnh viện huyện chưa tự chủ
"thực chất", gặp nhiều áp lực trong cân đối thu - chi
Ủy viên
Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lê Văn Khảm, thành viên Đoàn giám sát
chuyên đề của Quốc hội cho biết, hiện nay y tế cơ sở gồm 3 tầng thiết chế gồm:
y tế tuyến huyện (trung tâm y tế, bệnh viện huyện); tuyến xã (trạm y tế) và y
tế thôn bản.
Cùng là
y tế cơ sở nhưng y tế xã và y tế huyện khác nhau rất nhiều, trong đó chức năng,
nhiệm vụ của y tế xã đã tương đối rõ ràng. Tuy nhiên, qua hoạt động giám
sát và thực tiễn cho thấy đang thiếu nhiều công cụ, chính sách để hỗ trợ trạm y
tế thực hiện nhiệm vụ. Điển hình như chính sách về tài chính, chuyên môn kỹ
thuật không đầy đủ yêu cầu để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn…
Đại
biểu đề nghị phân tích rõ nguyên nhân khiến cán bộ y tế có tâm lý không muốn
làm việc tại y tế cơ sở; quy định ngân sách nhà nước đảm bảo chi 100% tiền
lương cho y tế cơ sở và các giải pháp căn cơ để giữ chân, thu hút nhân viên y
tế làm việc tại cơ sở.
Đối với
việc thực hiện tự chủ tài chính tại tuyến y tế cơ sở, một số thành viên Đoàn
giám sát nêu thực tế các trung tâm y tế huyện/ bệnh viện huyện thực hiện tự chủ
tài chính gặp nhiều áp lực trong việc cân đối thu – chi.
Một số
bệnh viện/ trung tâm y tế được giao tự chủ song chưa tự chủ "thực
chất" do còn nhiều ràng buộc liên quan đến bộ máy, bố trí nhân sự, biên
chế; năng lực quản lý điều hành và quản lý tài chính theo phương thức quản lý
mới của người đứng đầu ở một số cơ sở y tế chưa đáp ứng được yêu cầu khi chuyển
sang cơ chế tự chủ.
Việc
xác định tỷ lệ tự chủ tài chính theo quy định hiện hành chưa phản ánh đúng thực
tiễn hoạt động của đơn vị và thiếu cơ chế điều chỉnh khi cần thiết; nhiều đơn
vị có tỷ lệ tự chủ tài chính, tỷ lệ tự chủ của đơn vị cao nhưng đời sống viên
chức, người lao động còn khó khăn; cơ sở vật chất của đơn vị còn hạn chế,
chưa phát triển được các dịch vụ kỹ thuật mới đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe
người dân trên địa bàn.
Băn
khoăn về cơ chế tự chủ tại tuyến y tế cơ sở, qua khảo sát, Ủy viên Thường trực
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Danh Tú, thành viên Đoàn giám sát của Quốc
hội nêu thực tế trung tâm y tế tuyến huyện thực hiện đa chức năng (khám chữa
bệnh, dự phòng và dân số kế hoạch hóa gia đình) nhưng cơ chế tài chính mỗi lĩnh
vực này khác nhau.
Trong
lĩnh vực khám chữa bệnh, việc thực hiện tự chủ tương đối thuận lợi nhưng tự chủ
trong lĩnh vực y tế dự phòng gặp nhiều khó khăn.
Về vấn
đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lê Văn Khảm cho biết,
việc thực hiện tự chủ tài chính của trung tâm y tế nên có hiện tượng thu hút
bệnh nhân lên tuyến huyện, không chú trọng hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại
tuyến xã.
Nhân
lực ở tuyến y tế xã có tâm lý không muốn làm việc vì làm nhiều hay làm ít đều
giống nhau, vì nguồn thu được chuyển về trung tâm y tế huyện để điều phối
theo quy định.
Cùng
với đó là tác động mang tính hiệu ứng ngược của các chính sách khác như: chính
sách tự chủ của bệnh viện tuyến huyện, không khuyến khích công tác khám chữa
bệnh tại trạm y tế xã vì vậy danh mục cấp thuốc cho trạm y tế thiếu;
Chính
sách thông tuyến khám chữa bệnh tuyến huyện lại có tác động đến hoạt động khám
chữa bệnh ở tuyến xã, người dân vẫn được thanh toán bảo hiểm y tế nên có xu
hướng khám, chữa bệnh ở tuyến huyện thay vì ở tuyến xã.
Cần đảm bảo 100% ngân sách cho
y tế cơ sở
Để y tế
cơ sở làm tốt chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân, đại biểu Lê Văn
Khảm đề xuất cần nêu rõ trong dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát của Quốc
hội, trong đó ngân sách nhà nước đảm bảo 100% cho y tế xã hoạt động.
Là
người có nhiều năm công tác trong ngành y, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại
biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, thành viên Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội
đã nhiều lần nhấn mạnh quan điểm cần đảm bảo 100% ngân sách nhà nước cho y tế
cơ sở, bởi thực tế cho thấy y tế cơ sở rất khó thực hiện tự chủ.
Hiện
trên cả nước chỉ có một số cơ sở y tế tuyến cơ sở thực hiện tự chủ, còn
tuyệt đại đa số không thực hiện được cơ chế tự chủ.
Đại
biểu cũng chia sẻ với những khó khăn của y tế cơ sở hiện nay là thiếu cán bộ,
thiếu kinh phí hoạt động, khó khăn về cơ sở vật chất, tổ chức hệ thống…vì vậy,
cần có có giải pháp căn cơ để tháo gỡ những bất cập, tồn tại hiện nay.
Khẳng
định vai trò quan trọng của y tế cơ sở, nhưng qua khảo sát thực tế tại một số
địa phương và qua số liệu về khám bảo hiểm y tế cho thấy người dân đến khám,
chữa bệnh tại trạm y tế xã ngày càng giảm.
Phó Chủ
nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai, thành viên Đoàn giám sát
chuyên đề của Quốc hội cho biết, cử tri phản ánh việc thực hiện tự chủ tại
tuyến huyện nên hoạt động khám chữa bệnh ở tuyến xã không được khuyến khích;
Chưa kể
các chính sách hiện nay cũng chưa tạo điều kiện để người dân khám chữa bệnh ở
tuyến cơ sở vì danh mục thuốc hạn chế, cơ sở trang thiết bị không được đầu tư…
Phó Chủ
nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho rằng, bên cạnh chính sách
thu hút cán bộ và giữ chân cán bộ y tế tuyến cơ sở làm việc lâu dài như đào
tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng cũng cần có chính sách mang tính bền vững
đó là chế độ tiền lương.
Trong
đó, ngân sách nhà nước bảo đảm cho hoạt động y tế cơ sở, việc thực hiện cơ
chế tự chủ nhằm tăng lương và tái đầu tư cho y tế cơ sở.
Trong
khi đó, Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hà Nội, Đoàn
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội cho
biết, đến thời điểm này, chưa có trung tâm y tế, trạm y tế nào ở Hà Nội thực
hiện tự chủ do không cân đối được thu – chi.
"Tại
Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn đã thực hiện khám bệnh, chữa bệnh rất hiệu quả, tự
chủ được một phần chi thường xuyên (dự kiến 2023 tự chủ 90%, ngân sách nhà nước
cấp 10%); Trung tâm Y tế huyện Mỹ Đức tự chủ được 10%, 90% ngân sách nhà nước
cấp bù…
Cùng là
trung tâm y tế tuyến huyện, thực hiện tự chủ chi thường xuyên nhưng không có cơ
chế khuyến khích cho đơn vị có nguồn thu nhiều - đây cũng là nguyên nhân khiến
các cơ sở y tế không có động lực cố gắng, nỗ lực tăng nguồn thu", Giám đốc
Sở Y tế Hà Nội nêu thực tế.
Đảm bảo tiền lương và chế độ
thỏa đáng đối với nhân lực y tế cơ sở
Một số
ý kiến của thành viên Đoàn giám sát đề nghị nêu rõ trong Nghị quyết của Quốc
hội về hoạt động giám sát cần nghiên cứu đổi mới cơ chế tài chính cho y tế cơ
sở, trong đó tăng nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước cho y tế tuyến cơ sở
theo hướng tăng chi ngân sách nhà nước cho y tế tuyến huyện, xã và cho y tế dự
phòng dựa trên khối lượng công việc, mức độ hoàn thành và chất lượng.
Đổi mới phương thức phân bổ ngân sách cho y tế dự phòng, y tế cơ
sở theo hướng đặt hàng, giao nhiệm vụ. Đổi mới phương thức chi trả bảo hiểm y
tế theo hướng tăng mức chi trả bảo hiểm y tế cho các cơ sở y tế tuyến huyện, xã
và tiếp tục thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.
Ngân sách nhà nước kết hợp với thực hiện cơ chế tự chủ tài chính
để bảo đảm tiền lương, phụ cấp, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân lực y tế cơ sở
để duy trì, thu hút và tạo động lực phát triển theo đúng quan điểm của Nghị
quyết số 20-NQ/TW "Nghề y là nghề đặc biệt cần được đãi ngộ
đặc biệt".
Đồng
thời, cần bổ sung các chính sách nhằm thu hút người có trình độ chuyên môn về
làm việc tại y tế cơ sở; quan tâm đào tạo cán bộ y tế làm việc tại Trạm y
tế theo nguyên lý y học gia đình; thực hiện xét tuyển đối với các địa phương
khó tuyển dụng nhân lực y tế cơ sở.
Chi cho y tế dự phòng ở nhiều
địa phương đạt trên 30%
Đối với
y tế dự phòng, Nghị quyết 18/2008/QH12 ngày 3/6/2008 của Quốc hội đã nêu rõ
"Dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng".
Nghị
quyết số 20-NQ/TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao
sức khoẻ Nhân dân trong tình hình mới đề ra giải pháp đổi mới tài chính y tế,
trong đó "Ưu tiên bố trí ngân sách, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao
hơn tốc độ tăng chi ngân sách nhà nước.
Tập
trung ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó
khăn, biên giới, hải đảo, các lĩnh vực phong, lao, tâm thần...; dành ít nhất
30% ngân sách y tế cho công tác y tế dự phòng"… "Thực hiện nguyên tắc
y tế công cộng do ngân sách nhà nước bảo đảm là chủ yếu".
Qua
giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội tại các địa
phương của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội cho thấy, các địa phương đã ban
hành định mức phân bổ ngân sách chi y tế dự phòng theo các hình thức: Định mức
tính theo biên chế, bao gồm cả tiền lương và chi hoạt động của các đơn vị y tế
dự phòng.
Định
mức này có sự khác nhau khá rõ rệt giữa các địa phương, trong đó, đại đa số các
địa phương quy định phân bổ tiền lương theo thực tế và ban hành định mức
chi hoạt động thường xuyên riêng.
Tỷ lệ
chi cho y tế dự phòng so với ngân sách nhà nước chi cho y tế ở nhiều địa phương
đạt trên 30% theo đúng tinh thần nêu tại Nghị quyết 18/2008/QH12 như: Yên Bái,
Thừa Thiên Huế, TP. Hồ Chí Minh, Thái Bình, Thái Nguyên, Tây Ninh, Bắc Giang,
Bắc Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Chi cho y tế dự phòng chưa hiệu
quả và tương xứng với khẩu hiệu "y tế dự phòng là then chốt"
Về cơ
bản, hệ thống cơ sở vật chất, hệ thống máy móc, trang thiết bị, phần mềm quản
lý phục vụ công tác y tế dự phòng được địa phương quan tâm đầu tư; việc bố trí
kinh phí cho y tế được thực hiện đúng Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật liên
quan.
Đặc
biệt, sau khi Chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016-2020 kết thúc,
một số địa phương đã kịp thời quy định nội dung chi, mức chi các hoạt động y tế
- dân số trên địa bàn, làm cơ sở để tiếp tục bố trí kinh phí triển khai các
hoạt động nhiệm vụ của chương trình mục tiêu Y tế dân số giai đoạn 2016-2020
khi chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách địa phương.
Thành
viên Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội nhận định, ngân sách chi cho y tế dự
phòng tại các địa phương cơ bản đảm bảo cho các hoạt động thường xuyên, các
khoản chi chế độ, chính sách và đáp ứng phần nào nhu cầu cần thiết để phục vụ
nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân trên địa bàn như: truyền thông, giáo dục sức
khỏe; kiểm tra, giám sát hỗ trợ đối với tuyến y tế, nhất là tuyến xã và thôn,
bản.
Tuy
nhiên, việc đầu tư, phát triển cho công tác y tế dự phòng và tổ chức làm công
tác y tế dự phòng tuy đã được quan tâm nhưng chưa đủ và chưa hiệu quả và tương
xứng với khẩu hiệu "y tế dự phòng là then chốt".
Tỷ lệ chi cho y tế dự phòng phụ
thuộc vào xã hội hóa
Phó Chủ
nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai, thành viên Đoàn giám sát cho
biết, theo báo cáo của một số địa phương, tỷ lệ chi cho y tế dự phòng ở mức
thấp, chưa đạt ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng theo tinh thần Nghị
quyết số 18/2008/QH12 ngày 03/6/2008 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp
luật xã hội hoá để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ Nhân dân.
Theo
phân tích số liệu cụ thể chi ngân sách nhà nước cho y tế cơ sở tại 41 tỉnh,
thành phố, tỷ lệ này chỉ đạt 24,41% vào năm 2022, năm 2017 là 22,49% và năm
2012 là 20,4%.
Phó Chủ
nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang, thành viên Đoàn giám
sát dẫn chứng thực tế ở TPHCM việc xã hội hóa hoạt động khám chữa bệnh được đẩy
mạnh tỷ lệ chi ngân sách cho y tế dự phòng cao và ngược lại tại địa phương chưa
đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa khám chữa bệnh, tỷ lệ ngân sách y tế dành cho y
tế dự phòng giảm.
Nêu ý
kiến về việc thực hiện Nghị quyết số 18/2008/QH12 của Quốc hội dành ít nhất 30%
ngân sách y tế cho y tế dự phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn
Thúy Anh, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội băn khoăn về nội hàm của các
khoản chi cho y tế dự phòng, tỷ lệ này ở các địa phương báo cáo khác nhau, đề
nghị Bộ Y tế có báo cáo cụ thể hơn để Đoàn giám sát có cơ sở đưa vào dự thảo
Báo cáo và dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát…
Tỷ trọng đầu tư cho lĩnh vực y
tế dự phòng và dân số còn thấp
Qua
giám sát cũng cho thấy, đầu tư về cơ sở vật chất và trang thiết bị, chuyên môn
kỹ thuật tại trung tâm y tế tuyến huyện những năm qua chủ yếu cho lĩnh vực khám
chữa bệnh, tỷ trọng đầu tư cho lĩnh vực y tế dự phòng và dân số còn thấp.
Kinh
phí cho các hoạt động y tế dự phòng mặc dù đã được quan tâm nhưng vẫn thiếu so
với nhu cầu thực tế. Nguồn kinh phí để duy trì hoạt động quản lý bệnh không lây
nhiễm chủ yếu được đầu tư từ các chương trình, dự án, kinh phí địa phương rất
hạn chế, không ổn định và cấp muộn cũng ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả thực
hiện các chỉ tiêu, kế hoạch được giao.
Chương
trình mục tiêu Y tế - Dân số thực hiện trong giai đoạn 2016-2020, song tới ngày
07/5/2018, Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư quy định quản lý và sử dụng kinh
phí sự nghiệp thực hiện là chưa bảo đảm tính kịp thời, dẫn tới việc triển khai
tại các địa phương còn lúng túng; việc giải ngân cho các hoạt động thuộc Chương
trình này luôn chậm.
Bên
cạnh đó, khi Chương trình này kết thúc lại chưa có hướng dẫn cụ thể nguồn ngân
sách khi chuyển hoạt động từ hoạt động theo chương trình mục tiêu sang hoạt
động thường xuyên.
Hầu hết
các đơn vị thuộc hệ dự phòng có nguồn thu thấp, chủ yếu dựa vào ngân sách cấp,
đối với các đội y tế dự phòng thuộc các Trung tâm y tế hầu như không có nguồn
thu. Hơn nữa, hiện vẫn chưa xây dựng được danh mục các dịch vụ, mức giá để thực
hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc phân bổ theo kết quả hoạt động.
Trong
khi đó, kinh phí truyền thông giáo dục sức khỏe chủ yếu từ các nguồn chương
trình mục tiêu y tế quốc gia thông qua các hoạt động lồng ghép. Số kinh phí này
vẫn còn thấp so với nhu cầu, hầu hết đều chưa phân bổ kinh phí cho công tác
truyền thông giáo dục sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế (từ 1,5% - 2% kinh phí
sự nghiệp y tế hàng năm).
Nguồn
kinh phí dành cho y tế dự phòng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của địa
phương trong việc nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung trang thiết bị văn
phòng, truyền thông… đặc biệt là tại các trạm y tế xã.
Vì vậy,
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, thành viên Đoàn
giám sát đề nghị Bộ Y tế Bộ Y tế có đánh giá, tổng kết thực hiện Nghị quyết
18/2008/QH12 ngày 3/6/2008 của Quốc hội (trong đó có quy định dành tối thiểu
30% ngân sách nhà nước dành cho y tế tự phòng) nhằm đề ra các giải pháp, kiến
nghị tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.
Phát
biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng
Đoàn giám sát đề nghị Bộ Y tế làm rõ việc ngân sách nhà nước chi cho y tế dự
phòng có đạt tối thiểu 30% như Nghị quyết 18/2008/QH12 của Quốc hội đã nêu.
Hiện chưa có sự thống nhất số liệu giữa các địa phương, Bộ Y tế, do vậy trong
dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề về "Việc huy động, quản
lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID; việc thực
hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng" đề nghị Chính phủ
báo cáo Quốc hội về vấn đề này./.
Nguồn: xaydungchinhsach.chinhphu.vn